Do nhu cầu, không ít chủ sở hữu xe ôtô đã lắp thêm hoặc thay thế một số phụ kiện ngoài song lại gặp khó trong khâu đăng kiểm với nhiều yếu tố bị siết chặt hơn.
Với những tiêu chí hiện hành, đã có không ít phương tiện bị từ chối đăng kiểm gây ra không ít tranh cãi. Cuối năm ngoái, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản số 5239/ĐKVN-VAR ngày 26.12.2022 chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm nâng cao vai trò trách nhiệm, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu kiểm định phương tiện của nhân dân, doanh nghiệp.
Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đưa ra các hạng mục được đánh giá thuộc khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng, không ảnh hưởng tới an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Vấn đề đặt ra, là làm như thế nào để có thể độ xe ôtô mà vẫn phù hợp với quy định của cơ quan quản lý.
Thay đổi màu sơn và dán decal trên xe: Theo quy định, màu sơn có thể không trùng với màu được quy định trên giấy đăng kiểm. Điều này không ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nếu thay đổi màu sơn toàn bộ xe hoặc dán decal kín xe, khiến cho quá trình nhận diện phương tiện gặp khó khăn, gây nhầm lẫn thì vẫn có thể bị xử phạt. Do đó, nếu muốn thay đổi màu sơn, người dùng phải đăng ký với cơ quan chức năng.
Thân vỏ, thùng hàng: Nếu xe ôtô bị vết xước sơn bên ngoài không liên quan đến cản xe, chiếc xe vẫn được đăng kiểm bình thường. Về lưới tản nhiệt, có thể hoàn toàn thay thế một tấm khác cùng kích thước, cùng vật liệu. Với xe tải cũ, phải thay thế tôn bọc thùng hàng mà không thay đổi kích thước, kết cầu của thùng cũ.
Bậc lên xuống: Tại thị trường Việt Nam, nhiều mẫu xe ôtô được nhà sản xuất trang bị bậc lên xuống, trong khi đó cũng có không ít mẫu không được trang bị. Nếu chủ xe muốn lắp thêm bậc lên xuống, phải thỏa mãn 2 yếu tố: Không làm thay đổi độ rộng của xe và khoảng sáng gầm.
Tầm nhìn: Có thể lắp thêm các vật làm hạn chế tầm nhìn của người lái theo hướng phía trước, hai bên. Ví dụ: tấm chắn nắng kính chắn gió phía trước, camera hành trình…
Đèn chiếu sáng: Theo quy định, có thể lắp đèn chiếu sáng phía trước, bao gồm thấu kính, gương phản xạ mờ, nứt. Tuy nhiên, đèn chiếu sáng thay mới phải đảm bảo cùng hình dạng, kích thước, loại bóng đèn (sợi đốt, halogen, led, bixenon) và không làm thay đổi kết cấu hệ thống điện của xe.
Với một chiếc xe ôtô cũ đời sâu sử dụng đèn halogen, nhiều người chủ xe cho biết đã đây là bất cập với lý giải rằng, loại phụ tùng này cần phải thay thế bằng một chiếc có công suất đủ lớn để có thể đảm bảo an toàn giao thông. Theo ý kiến của những chủ xe này, nếu đèn quá tối, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng, việc thay đèn mới là cần thiết. Theo đó, nên đưa xe vào hãng để thay đèn vì ở đây có đủ các thiết bị tiêu chuẩn để đo đạc hình dạng chùm sáng, cường độ sáng và góc chiếu.
Đèn sương mù, đèn gầm lắp đặt ở vị trí thấp hơn đèn chiếu sáng, có ánh sáng màu vàng hoặc trắng, có chùm sáng luôn hướng xuống. Tuy nhiên trong thực tế, không biết do cố tình hay vô tình, nhiều người điều khiển phương tiện giao thông đôi khi luôn bị chói mắt bởi phần đèn sương mù được độ. Có hai lý do: Thứ nhất do ý thức của chủ xe ôtô; thứ hai là khi độ đèn, chủ xe và garage đã không tính đến trọng tải. Bởi lẽ, nếu xe chở đầy trọng tải, phần sau của xe sẽ bị hạ xuống, khiến tầm chiếu của đèn sương mù nâng lên, chiếu thẳng vào mắt của người đối diện.
Bánh xe, la zăng: Nếu trong sách hướng dẫn sử dụng xe, nhà sản xuất cho biết sản phẩm có thể dùng được nhiều cỡ lốp khác nhau, chủ sở hữu xe hoàn toàn có thể làm theo. Cơ quan đăng kiểm phải có trách nhiệm bổ sung vào giấy chứng nhận kiểm định. Phần la zăng cũng được áp dụng tương tự.
Nội thất: Đây là yếu tố được cho là “dễ thở” nhất trong quy định. Theo đó, chủ xe được được độ rất nhiều thứ như bọc da thay vì nỉ – loại chất liệu không phù hợp với thời tiết Việt Nam. Hệ thống giải trí cũng có thể thay từ màn hình nguyên bản sang màn hình Android để có nhiều tiện ích giải trí và hỗ trợ lái. Về phần âm thanh, có thể nâng cấp loa ở cánh cửa.
Quý An (Theo Lao Động)